thiet ke biet thu, thiet ke nha pho

Đối với một nền kinh tế được quản lý kém, tài nguyên khoáng sản là vật tế thần cho tăng trưởng nóng và “tăng trưởng hỏng”. Để cân bằng ngân sách, nguồn thu dễ nhất nhưng cũng kém bền vững nhất là từ tài nguyên khoáng sản.

Tăng trưởng nóng bằng tài nguyên khoáng sản

Định hướng sai thị trường tiêu điểm
Trong khi các chủ trương, đường lối, chiến lược chính sách đều nhấn mạnh ngành khai khoáng trước hết phải “phục vụ cho nền kinh tế quốc dân”, thì tài nguyên khoáng sản (TNKS) của Việt Nam thời gian qua được khai thác chủ yếu để xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc “nhất quán” từ khâu quy hoạch, cấp phép hoạt động, khuyến khích đầu tư, đơn giản thủ tục hành chính... trong lĩnh vực khoáng sản thời gian qua đã biến Việt Nam thành nguồn cung cấp thuận lợi các loại khoáng sản có ích, không tái sinh cho thị trường Trung Quốc. Việc cung cấp này tuy nhỏ, lẻ và chỉ do một số ít doanh nghiệp được thực hiện, nhưng vô tình đã làm cho thị trường khoáng sản kim loại của Việt Nam chỉ có một người mua là Trung Quốc. 

Xác định sai cơ cấu sản phẩm
Trong khi các chủ trương, đường lối, chiến lược, chính sách đều nhấn mạnh yêu cầu “chế biến sâu” để nâng cao giá trị, thì TNKS của Việt Nam chỉ được chế biến đạt tiêu chuẩn là nguyên liệu rẻ tiền để xuất khẩu.
Ngành khai thác than, trước đây các sản phẩm than đạt tiêu chuẩn Việt Nam (chất lượng cao) chiếm 80-90%, chỉ có 10-20% là than tiêu chuẩn ngành (chất lượng thấp) và không có than tiêu chuẩn cơ sở (chất lượng xấu). Hiện nay than tiêu chuẩn Việt Nam chỉ đạt 40-50%, còn lại là than tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn cơ sở. Cơ cấu sản phẩm này đi ngược mọi quan điểm và chính sách về TNKS, nhưng phù hợp với thị trường Trung Quốc.
Quy định của Nhà nước rất chặt chẽ là không cho phép xuất khẩu quặng thô, chỉ cho phép xuất khẩu quặng đã qua chế biến. Về mặt kỹ thuật, “chế biến” là công đoạn nâng cao hàm lượng có ích trong quặng. Nhưng chỉ cần một số động tác nhặt tay, hay sàng phân loại thủ công, hàm lượng có ích đã tăng lên và quặng cũng được coi là đã qua chế biến để được xuất khẩu.

Ngoài ra, khâu chế biến trong ngành khai khoáng Việt Nam đạt trình độ kỹ thuật rất thấp. Hiện nay công nghệ chế biến titan chỉ dừng lại ở “quặng tinh” để xuất khẩu. Nếu từ tinh quặng titan chế ra được xỉ titan giá trị tăng lên 2,5 lần, từ xỉ titan chế biến thành pigment giá trị tăng 10 lần, từ pigment sản xuất ra titan kim loại giá trị tăng hơn 80 lần. Đồng Sinh Quyền cũng là một ví dụ: bằng công nghệ luyện “hiện đại” của Trung Quốc, tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản (TKV) chỉ làm ra được đồng có độ tinh khiết tối đa 99,95-99,97%, trong khi để kéo thành dây dẫn điện, đòi hỏi đồng phải có độ tinh khiết đạt 99,99%. Chênh lệch giá bán giữa hai mức độ tinh khiết này có thể lên tới hàng ngàn đô la Mỹ mỗi tấn. Alumina cũng có triển vọng tương tự. Nếu độ tinh khiết không đạt trên 98% thì hiệu quả kinh tế cũng chỉ như xuất khẩu quặng thô. 

Buông lỏng quản lý, cấp giấy phép tràn lan
Thị trường đầu ra rất “ngon ăn” đã biến lĩnh vực khai khoáng của Việt Nam, chủ yếu là đào mỏ, bung ra đến mức không thể quản lý nổi.
Trong quá trình thi hành Luật Khoáng sản 1996-2010, thông qua hai công cụ cấp phép và phân quyền, các cơ quan quản lý nhà nước về TNKS đã đóng vai trò rất quyết định trong việc chuyển đổi khối lượng lớn TNKS từ sở hữu toàn dân sang thành nguồn thu của những nhóm lợi ích.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam chỉ có vài chục loại khoáng sản nằm trong lòng đất, nhưng trong 12 năm (1996-2008) hai bộ Công nghiệp và Tài nguyên và Môi trường đã kịp cấp 928 giấy phép hoạt động khoáng sản, ngoài ra trong ba năm (2005-2008) còn phân cấp cho 60 tỉnh thành cấp 4.213 giấy phép.
Mặc dù vậy, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước TKV lại là trường hợp đặc biệt. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, từ khi thành lập đến năm 2008, các đơn vị khai thác than của TKV hoạt động không có giấy phép và vi phạm nghiêm trọng Luật Khoáng sản.

Trong suốt 15 năm qua các cơ quan quản lý nhà nước về TNKS chỉ thực thi quyền cấp các giấy phép hoạt động khai thác những khoáng sản hiện có từ thời bao cấp, bỏ qua nhiệm vụ điều tra tìm kiếm và thăm dò các mỏ mới. 

Tổn thất TNKS còn rất lớn
Từ việc chạy theo lợi nhuận trước mắt, cùng với việc buông lỏng quản lý nhà nước, đã dẫn đến việc TNKS bị khai thác rất lãng phí. Tổn thất TNKS trong các khâu khai thác, chế biến rất cao. Tổn thất than trong khai thác bằng công nghệ hầm lò đến 40-60%; tổn thất quặng trong khai thác bằng công nghệ lộ thiên cũng rất cao: apatit 26-43%; quặng kim loại 15-30%; đá xây dựng 15-20%; vàng 60-70%... Đặc biệt, tỷ lệ tổn thất TNKS trong các mỏ do tư nhân khai thác không thể kiểm soát được vì công nghệ lạc hậu và tư tưởng “dễ làm, khó bỏ” rất phổ biến. Các mỏ đá trắng ở Nghệ An là ví dụ điển hình với tổn thất lên tới trên 70%. 

Làm gì để sử dụng bền vững TNKS?
Tiết kiệm là quốc sách: Việt Nam thuộc loại rất nghèo về TNKS nhưng sử dụng lại rất hoang phí. Trữ lượng than của thế giới đạt bình quân khoảng 120 tấn/người, còn Việt Nam chưa tới 25 tấn/người. Thế giới dùng 1 ký than để phát ra 3 kWh điện, trong khi Việt Nam chỉ phát được 2 kWh. Trong tương lai, chúng ta có thể nhập khẩu được lúa mì, nhưng không thể nhập được than, hay nước ngọt. Chính than và nước ngọt sẽ là rào cản sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù lượng mưa lớn, nhưng nước ngọt cho phát triển kinh tế đang ngày càng hiếm. Nhiều đối tác nước ngoài đề xuất các dự án đầu tư lớn như lọc dầu, hóa chất, phân bón, luyện thép ở Quảng Ninh, nơi có nhiều lợi thế về năng lượng và giao thông cảng biển, nhưng không thể triển khai chỉ vì thiếu nước ngọt. Các dự án nhiệt điện ở Quảng Ninh hiện nay cũng phải dùng nước mặn để làm mát.

Từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa trên TNKS: So sánh hai mô hình phát triển khác nhau của tỉnh Quảng Ninh (dựa vào TNKS) và tỉnh Vĩnh Phúc (hầu như không có TNKS) cho thấy dù Quảng Ninh đứng thứ 5 về thu ngân sách tuyệt đối, nhưng nếu so sánh mức thu ngân sách trên tổng mức đầu tư của xã hội, Vĩnh Phúc đã bỏ xa Quảng Ninh.

Đối với một nền kinh tế được quản lý kém, TNKS là vật tế thần cho tăng trưởng nóng và “tăng trưởng hỏng”. Để cân bằng ngân sách, nguồn thu dễ nhất nhưng cũng kém bền vững nhất là từ TNKS. Trong kết cấu giá thành sản phẩm của ngành khai khoáng không có khoản mục “nguyên liệu chính” (thường chiếm tỷ trọng 30-70% trong chi phí của các sản phẩm khác). Trong khi đó tỷ trọng các khoản tiền lương, khấu hao thường cao. Vì vậy, dựa vào ngành khai khoáng để đạt mức tăng trưởng về GDP rất dễ dàng.

Cấm xuất khẩu khoáng sản dưới mọi hình thức: Việt Nam là nước có diện tích nhỏ, có tuổi địa chất không lớn. Vì vậy, về mặt khoa học, không có đủ không gian và thời gian để hình thành những mỏ khoáng sản lớn. Hiệu quả mang lại từ xuất khẩu khoáng sản không đáng kể. Việc cho phép xuất khẩu là nguyên nhân chính của việc khai thác khoáng sản bừa bãi, dẫn đến tổn thất tài nguyên, tàn phá môi trường. Đối với doanh nghiệp, việc cho phép xuất khẩu sẽ làm cho doanh nghiệp ỷ lại. Hiệu quả xuất khẩu ngày càng giảm. Nếu như trước đây, giá xuất khẩu than cao hơn giá thành bình quân 2-5 lần, hiện nay giá than xuất khẩu chỉ bằng 1,32 lần.

Chỉ khai thác khoáng sản khi có nhu cầu tiêu dùng trong nước: Đối với nền kinh tế, mọi khoáng sản khi chưa khai thác đều là tích sản. Vì vậy, giá trị của TNKS chưa khai thác sẽ ngày một tăng. Khoáng sản của Việt Nam chỉ mang tính hàng xén, mỗi loại có một ít, phân tán, nhỏ lẻ. Trong lĩnh vực TNKS không nên áp dụng chính sách miễn, giảm thuế. Vì càng miễn giảm thuế, TNKS càng được khai thác kém hiệu quả, tổn thất càng cao, môi trường càng xấu hơn.

Nâng cao chất lượng quy hoạch TNKS: Quy hoạch về TNKS của Việt Nam tương đối nhiều (khoảng 15 quy hoạch khác nhau). Nhưng nhìn chung, các quy hoạch được soạn thảo theo ý chí của lãnh đạo nhiều hơn là trên cơ sở khoa học và thực tế. Chất lượng quy hoạch thấp, điển hình là các quy hoạch quan trọng như bauxite, titan và gần đây là quy hoạch than (vừa được Thủ tướng phê duyệt ngày 9-1-2012).

Các quy hoạch thường có tên gọi “thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng”… nên đã “vỡ” ngay trong tên gọi và khi còn trên giấy. Theo quy hoạch mới nhất của ngành than, riêng khâu thăm dò đến năm 2015 phải thực hiện 2,23 triệu mét khoan sâu, tương đương với khối lượng thực hiện từ năm 1955 đến nay trong ngành than. Chỉ cần mắt xích thăm dò này đổ, toàn bộ các khâu khai thác, chế biến, sử dụng than sẽ vỡ theo. Quy hoạch TNKS là đầu vào của các quy hoạch khác (như điện, thép, xi măng...) nên cần được tiếp cận một cách nghiêm túc.

Theo TS. Nguyễn Thành Sơn, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, trích lại từ Tinkinhte.com

Tăng trưởng nóng bằng tài nguyên khoáng sản

[TỔNG HỢP][slider1][recent][9]

 
Top