thiet ke biet thu, thiet ke nha pho

Trong các từ điển tiếng Việt, “biệt thự” có nghĩa là nhà rộng có vườn riêng biệt. Tuy nhiên, nếu so sánh loại nhà biệt thự trong các dự án hiện nay và với những biệt thự được xây dựng trước giải phóng tại Thủ Đức hoặc xây dựng từ thời Pháp trong khu trung tâm quận 3 thì rõ ràng khái niệm biệt thự đã có những khoảng cách khá xa.

Những biệt thự được xây dựng trước 1975 và cả những căn được xây dựng từ thời Pháp đều có diện tích từ 500m2 đến vài ngàn mét vuông. Ngoài diện tích xây nhà còn có phần đất cho vườn cây cảnh, hòn non bộ, không ít căn còn có cả hồ bơi, thậm chí còn đủ đất để làm một sân tennis…



Cây xanh không thể thiếu trong chuẩn biệt thự.

Trong khi đó, hiện nay không ít biệt thự tại các dự án khu dân cư, khu đô thị mới có diện tích nhà đất rất hạn hẹp, thông thường chỉ khoảng 200m2 đất, thậm chí có thể ít hơn. Một công ty kinh doanh bất động sản tại TPHCM vừa giới thiệu một khu dân cư mới gần khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tại Bình Dương trong đó những căn biệt thự có diện tích đất chỉ trên dưới 200m2 và phần diện tích xây dựng chiếm trên 50%, phần đất vườn còn lại chẳng là bao.

Hay dự án khu biệt thự An Phú do Công ty Phát triển nhà Thủ Đức đầu tư xây dựng 82 căn biệt thự, trong đó đa phần là biệt thự liên lập, song lập, còn biệt thự đơn lập thì rất ít với diện tích dao động từ 126 – 387m2. Dự án nhà ở và kinh doanh tại phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sông Đà làm chủ đầu tư quy hoạch xây dựng 14 nền nhà biệt thự đơn lập (300m2/căn), 132 căn biệt thự song lập (200m2/căn).

Như vậy, khái niệm “biệt thự” hiện nay không chỉ còn là những căn nhà có vườn riêng biệt với tên gọi “biệt thự đơn lập” mà đã xuất hiện thêm các khái niệm biệt thự liên lập, song lập, tứ lập, biệt thự phố…

Theo một tài liệu của nhà nghiên cứu lịch sử đô thị Nguyễn Đình Đầu, thống kê nhà ở của đô thành Sài Gòn năm 1969 cho thấy khi đó Sài Gòn có 1.080 biệt thự nhiều tầng, 1.800 biệt thự một tầng… Còn hiện nay, khó có cơ quan chức năng nào đưa ra con số thống kê tương đối chính xác về số lượng biệt thự của thành phố.

Một giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM ta thán: “Hiện nay chúng ta vẫn chưa có văn bản nào quy định tiêu chuẩn cho biệt thự, từ diện tích nhà, đất đến kiến trúc…”. Có lẽ chính vì vậy khoảng cách về chuẩn giữa các căn biệt thự rất xa nhau, diện tích từ 200m2 đến vài ngàn mét, kiến trúc từ Tây, Tàu đến Ta, độ cao từ nhà trệt đến vài tầng, từ đơn lập, song lập đến tứ lập…

Dĩ nhiên “thuận mua vừa bán” luôn là nguyên tắc tối thượng, người bán rao bán một căn biệt thự, người mua bỏ tiền ra mua khi coi đó là một căn biệt thự.

Song, nếu không sớm định chuẩn một cách cụ thể hơn, khái niệm biệt thự ở Việt Nam sẽ còn đi xa hơn nữa và không chỉ kéo giảm một phần giá trị kiến trúc của thành phố mà còn tạo nên những gam màu “xám” trong bức tranh xây dựng tổng thể của các đô thị ở Việt Nam.

[TỔNG HỢP][slider1][recent][9]

 
Top